Một phụ nữ kia cũng cảm thấy ê chề nên bà đã quyết định không ra cửa đứng chờ chồng đi làm trở về như mọi khi. Lúc người chồng về đến, ông mở cửa nhưng không thấy vợ đâu, còn nhà cửa chỗ nào cũng lượm thượm bê bối. Những vết chân bùn đất của sấp nhỏ còn tèm lem trên tấm thảm phòng khách. Áo quần bừa bãi khắp nơi. Ông còn vấp cả vào những đồ chơi ngổn ngang dưới sàn nhà bếp. Bể nước thì đầy những chén đĩa chưa rửa. Trên bếp chẳng thấy cơm nước đâu. Những đĩa ăn từ sáng còn vương vãi trên bàn. Một lúc sau, ông mới nhận ra vợ ngồi thừ thẫn và chằm chằm nhìn vào tường như người mất hồn. Ông lên tiếng, “Chuyện gì vậy?” Bà vợ đáp, “Có gì đâu. Chả có gì cả. Ông cứ vặn vọ tôi suốt ngày ở nhà làm gì trong khi ông đi làm kiếm tiền. Đấy, ông xem đi. Hôm nay, tôi để yên đấy cho ông biết.”
Nhiều người chúng ta có thể cũng chán sống đến độ chẳng muốn mó tay làm gì cả. Nhưng tận thâm tâm, chúng ta biết sống không phải chỉ là vướng vất cho qua kiếp này. Chúng ta biết cuộc sống không phải chỉ là kéo dài hơi thở. Chúng ta biết cuộc sống thường ngày của chúng ta phải vượt trên những chán chường, trống rỗng và vô hồn.
Phúc Âm thánh Gioan đề cao cuộc sống, trong đó sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô giúp chúng ta đi từ chỗ chỉ hô hấp đến chỗ sống sung mãn. Theo từ ngữ Thánh Kinh, sống sung mãn có nghĩa là sống đời đời.
Chủ đề chính trong ba Phúc Âm Matthêu, Marcô và Luca là việc Chúa Kitô đến dẫn đưa chúng ta vào Nước Thiên Chúa (tức là sống theo thánh luật của Người). Còn trong Phúc Âm Gioan, chủ điểm Nước Thiên Chúa được đề cập chỉ một đôi lần. Ngược lại, thánh nhân nói về sự sống đời đời và đó chính là cách ngài mô tả thực tại Nước Thiên Chúa. Thánh nhân nói về sự sống sung mãn, về cuộc sống toàn vẹn, hoặc sống dồi dào (từ ngữ được chính Chúa Giêsu sử dụng).
Trong Phúc Âm thánh Gioan, nhiều hình ảnh phong phú đã được sử dụng để trình bày con đường Chúa Giêsu đến đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Chúa là Bánh Hằng Sống, là Ánh Sáng thế gian, là Sự Sống Lại và là Sự Sống, là Đường và Sự Thật, là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa, là Đấng hướng dẫn và bảo vệ chúng ta. Và trong bài Phúc Âm hôm nay, Người là Mục Tử Nhân Lành. Chúa Giêsu xác nhận, “Ta là Mục Tử Nhân Lành. Mục Tử Nhân Lành hiến mạng sống vì đoàn chiên” (Ga 10:11). Chúa đã hy sinh mạng sống cho chúng ta được “sống và sống dồi dào” (Ga 10:10). Mục Tử Nhân Lành đã đến cứu chúng ta thoát khỏi ách nô lệ. Mục Tử Nhân Lành đã đến giải thoát chúng ta khỏi cảnh ê chề của kiếp sống này bằng cách ban cho chúng ta một cuộc sống mới, “trong Thánh Thần và Chân Lý.”
Ngày nào chúng ta cũng thức dậy, đi làm, kiếm tiền, đi ngủ; thức dậy, đi làm, kiếm tiền, đi ngủ; thức dậy, rồi đi làm, kiếm tiền, đi ngủ, rồi lại thức dậy… Như vậy, cuộc sống của chúng ta dễ mất hết ý vị, trở nên chán ngấy và vô nghĩa. Trong lời hứa của mình, Chúa Giêsu nói về sức sống dồi dào, giúp chúng ta vui tươi trong từng giây phút cuộc sống hằng ngày với những điều bình dị: ẩm thực chúng ta dùng; rồi giấc ngủ an lành; cơ hội làm việc và sáng tạo; niềm vui trước một cây cỏ đơn sơ, một đóa hoa xuân nở sớm, một nụ cười trên khuôn mặt trẻ thơ, một ánh mắt trìu mến của người yêu hoặc vòng tay ấm áp của bằng hữu.
Những thời gian đau khổ – những khi khủng hoảng trong cuộc sống chúng ta cũng tương tự như vậy. Về những thời gian này, thánh Phaolô Tông Đồ đã nói, “Chính khi tôi yếu là khi tôi mạnh” (2 Cor 12:10). Đây là một trong những nghịch lý lớn nhất trong đức tin Kitô giáo. Khi chúng ta yếu hèn, khi chúng ta đau khổ, khi chúng ta tê tái, là khi chúng ta mạnh mẽ bởi vì lúc ấy chúng ta hoàn toàn gieo mình vào sự hiện diện của Chúa Kitô. Và sức sống dồi dào được tuôn trào cho chúng ta. Chúa Giêsu đã phán, “Ai uống nước Ta ban sẽ không bao giờ khát nữa. Nước Ta ban sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4:14).
Khi gặp khủng hoảng, chúng ta thấy mình yếu đuối, bất lực và dường như, “Tôi không còn đủ sức kéo lê kiếp sống này nữa.” Những tháng ngày buồn nản quả thực là một cuộc chiến đấu. Từ tuần lễ này sang tuần lễ khác, chúng ta đến nhà thờ, nặng trĩu những căng thẳng: tang tóc gia đình, bệnh lên bệnh xuống, mất việc hết tiền, sóng gió hôn nhân, buồn phiền với con cái hoặc cha mẹ. Nhưng, trong sự yếu đuối của bản thân, chúng ta có thể tìm được sức mạnh để vượt qua khủng hoảng – nếu chúng ta biết mềm mại, thuần thục và kiên cường để trọn vẹn tín thác vào bàn tay chữa lành của vị Mục Tử Nhân Lành chúng ta sẽ tìm được an ủi và tăng thêm sức mạnh. Vì vậy, tôi xin gửi đến anh chị em một lời hứa quan trọng. Anh chị em hãy ký thác đời mình cho Chúa Giêsu Kitô, rồi ơn chữa lành, ơn an ủi và sức mạnh sẽ đến. Mục Tử Nhân Lành sẽ không để anh chị em bơ vơ, sợ hãi và hoảng hốt. Người sẽ ủi an, sẽ chữa lành anh chị em. Người sẽ thêm sức mạnh phi thường cho anh chị em.
C.S. Lewis, một tác giả được yêu chuộng, đã mô tả tiến trình lãnh nhận quyền năng và sức mạnh để trải nghiệm sự sống mới trong Chúa Kitô một cách tuyệt vời: “Hãy tưởng tượng bạn là một ngôi nhà sống động. Thiên Chúa đến tái thiết ngôi nhà ấy. Lúc đầu, có lẽ bạn hiểu được những việc Chúa làm. Người thông những đường cống và bít kín những lỗ rò trên mái nhà, v.v. Rồi giờ đây, Người mạnh tay phá đổ ngôi nhà và dường như không còn ý nghĩa gì cả. Không hiểu Người làm gì vậy? Rõ ràng Chúa đã xây một ngôi nhà hoàn toàn mới, khác hẳn những gì bạn suy nghĩ. Bạn định dựng một túp lều nhỏ bé. Còn Chúa thì xây một biệt thự. Người dự định đến sống trong ngôi nhà ấy.”
Một thiếu phụ đến tham dự buổi họp mặt cựu học sinh. Hôm ấy, giáo viên dạy nhạc hồi trung học của bà cũng có mặt. Hai người nhỏ to ôn lại dĩ vãng và tình nghĩa thầy trò xa xưa. “Em vẫn nhớ hồi ấy bao giờ cô cũng cho em thêm thời gian và lời khích lệ. Em đã nhận được một cảm hứng nồng nhiệt từ cô, nên em quyết định tiếp tục con đường âm nhạc trên đại học và cao học. Bây giờ, em đã là một giáo sư đại học và đứng đầu khoa nhạc.” Sau khi đôi bên nói lời từ biệt, cô giáo âm nhạc vui mừng, “Cảm ơn em đã nói những lời tốt đẹp về thời dạy học của cô. Em đã làm nên ngày sống của cô.” Người thiếu phụ đáp, “Ô, em phải cảm ơn cô mới đúng. Cô đã làm nên cuộc đời của em.”
“Ta là Mục Tử Nhân Lành. Ta thí mạng sống vì đoàn chiên.” Qua hành vi ban sự sống và chia sẻ đời sống, Chúa đã làm nên cuộc sống của chúng ta. Và bằng cách hy sinh mạng sống mình cho tha nhân, bằng cách chia sẻ đời sống mình với tha nhân, chúng ta cũng làm tương tự như vậy. Chúa Giêsu phán, “Rồi sẽ chỉ có một đàn chiên và một chúa chiên.” Khả năng mở cửa thiên đàng được ban cho tất cả những ai tin tưởng và sẵn sàng, biết vui lòng và hăm hở chia sẻ!
Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ