Máu các vị Tử Đạo, là hạt giống sinh nhiều giáo hữu

(Văn hào Tertuliano)

Đạo Yêu Thương

Đạo Công Giáo, còn được gọi là Đạo Yêu Thương (Đức giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm), một đạo dạy người ta yêu thương. Đạo dạy ta, trước tiên là tìm hiểu Thánh Kinh cùng muôn tạo vật, để nhận biết, rồi yêu mến và tôn thờ Thượng Đế, Đấng vì yêu thương, đã tạo dựng muôn loài và chúng ta. Tiếp đến, đạo dạy ta yêu đồng loại, và yêu cả kẻ thù của mình nữa. (Mười Điều Răn Đức Chúa Trời).

Thế nhưng, hơn hai ngàn năm qua, kể từ khi Chúa Giêsu, con một Thiên Chúa, Đấng đã xuống thế làm người, cứu chuộc nhân loại, Ngài đã chịu đóng đinh trên Thập giá, Ngài đã chết, đã sống lại, và về trời thì trên thế giới nay, đã có biết bao cuộc ngăn cấm, giết chóc, bách hại bằng muôn vàn hình thức vô nhân đạo, dã man, với người theo, và loan truyền Đạo Yêu Thương đó.

Những cuộc bách hại ban đầu với 12 Tông đồ của Chúa

Sau khi Chúa sống lại và về trời, các Tông đồ đã hoảng sợ, hoang mang có ý định trờ về quê để sống yên thân, vì các Ngài như “Rắn mất đầu”. Thế rồi, sau Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống tràn ngập tâm hồn họ. Nhờ thế, hơn lúc nào, các Tông đồ, dù chỉ là những ngư phủ, thợ thuyền ít học, kiến thức không được là bao, đã trở nên thông thái, mạnh dạn, nói được nhiều thứ tiếng, đi rao giảng Tin Mừng. Đã có rất nhiều người gia nhập Kitô giáo thời đó. Những người lãnh đạo Do Thái sợ mất ảnh hưởng, nên đã ngăn cấm và giết các Ngài.

Trước tiên, ta kể đến 12 vị Tông Đồ theo Chúa. Đó là các ông Phêrô, một ngư phủ bị đóng đinh ngược; ông Anrê, ngư phủ em ông Phêrô bị đóng đinh trên thập giá, hai ngày mới chết; ông Giacôbê, người chài lưới bị chặt đầu; ông Philiphê bị đóng đinh; ông Batôlômêô bị đánh bằng roi đến chết; ông Tôma bị đâm chết; ông Matthew, nguời thu thuế tử đạo bởi gươm; ông Giacôbê bị quảng từ cao xuống rồi bị đánh chết; ông Tađêô, còn gọi là Giuđa bi đóng đinh; ông Simon bị đóng đinh. Như thế, trong 12 Tông đồ theo Chúa đầu tiên, thì 10 vị chết tử vì đạo, còn lại ông Gioan, Ngài được cứu thoát khỏi vạc dầu sôi, ông chết ở tuổi già, và Giu-đa-Ít-ca-ri-ôt, kể nộp Chúa đã treo cổ tự tử.

Ngoài ra, còn ông Mathias, vị thay thế Giuda kẻ phản bội Chúa bị chặt đầu; ông Phaolô, vị Tông đồ trở lại bị chặt đầu; ông Tephanô, chết do bị ném đá, vị Tông đồ tử đạo đầu tiên; ông Macco, ngựa kéo cho đến chết; ông Luca, bị treo cổ chết (Tóm lược từ Báo Công Giáo, nhịp sống đạo, Phương Linh).

Sau khi Phó tế Stêphanô bị ném đá là khởi đầu cuộc bắt bớ rộng lớn chống Giáo Hội ở Giêrusalem. Cộng đoàn Kitô hữu ở đây bị bách hại, bị phân tán…

Tác phẩm lừng danh Quo Vadis của nhà văn: Henryk Sienkievich- Ba Lan

Tác phẩm Quo Vadis của nhà văn Henryk Sienkievich – Ba Lan đã cho ta một cái nhìn khái quát, nhưng cũng rất sâu sắc khá đầy đủ về một thời bách hại đạo Công Giáo ở thế kỷ thứ I tại Roma. Đây là cuốn tiểu thuyết lừng danh của Henryk Sienkievich viết vào mùa xuân năm 1895 và kết thúc vào tháng 2 năm 1896. Với tác phẩm Quo Vadis, nhà văn được giải thưởng Nobel về văn học năm 1905. Tác phẩm đã cho ta thấy rõ bộ mặt một bạo chúa dâm đãng, tàn ác, dã man, vô nhân đạo, hèn nhát, nhưng lại háo danh, hoàng đế Nerô đế quốc La Mã, vào những năm 60-70 sau khi Chúa Giêsu chịu khổ hình và phục sinh. Đỉnh điểm của sự tàn ác là Nerô giết mẹ ruột và em để soán ngôi, cùng chuyện ra tay đốt toàn bộ thành Roma để có cảm hứng viết thơ, với hy vọng thơ của ông sẽ có hồn, hay bằng hoặc hơn thơ Homer. Nerô đã hèn nhát, và gian manh đổ lỗi đốt thành cho người Công Giáo, trước sự căm phẫn của thần dân. Và lấy lý do đó, ông chém giết bách hại người Công Giáo khắp nơi, mà đứng đầu Hội Thánh thời đó là Thánh Phêrô. Người Kitô hữu thời đó sợ mất người đứng đầu, đạo Chúa sẽ tan rã, nên đưa Phêrô đi trốn. Trên đừng đi trốn, Chúa hiện ra, Phêrô hỏi: “Quo Vaddis Domine? – Thưa Thầy, Thầy đi đâu?”. Chúa trả lời: “Khi người rời bỏ dân ta, ta phải đến Roma để cho người ta lại đóng đinh ta lên cây thập tự lần thứ hai” (Chương 7 tập 2 Quo Vadis). Phêrô đã trở lại Roma và chịu đóng đinh ngược…

Nội dung tác phẩm, và đặc biệt đoạn đối thoại trên đây có giá trị to lớn, vượt không gian và thời gian. Tác phẩm đã đi vào lịch sử của nhân loại, nó là bài học lớn cho người dân, cũng như người đứng đầu trong nhiều lãnh vực khác nhau. Bài học lớn là sự thật sẽ thắng gian dối, và mãi mãi trường tồn trong danh dự. Phêrô, không một tấc sắt bảo về sự thật, sẵn sàng chết, thì được sống muôn đời; Nerô, bạo chúa quyền lực, gian manh, độc ác bị muôn đời sau nguyền rủa…

Máu các vị tử đạo, là hạt giống sình nhiều giáo hữu

Khi bạo chúa Nerô bách hại đạo Công Giáo, giết hết các thủ lãnh của đạo, và ngăn cấm bách hại người có đạo, thì người ta tưởng rằng đạo Công Giáo sẽ bị tiêu diệt, tàn lụi không còn ai dám theo đạo Chúa nữa. Hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của con người, đạo Công Giáo thay bằng tàn lụi thì lại được mở rộng khắp nơi, không còn chỉ ở trong xứ nhỏ Trung Đông nữa, mà lan rộng đến năm châu bốn biển qua các đợt truyền giáo của các nhà truyền giáo đầy nhiệt thành.

Điều đó được chứng minh bằng những số liệu sống động trong Niên Giám Tòa Thánh năm 2016: Dân số Công Giáo ngày nay tăng đến gần 1, 3 tỷ người. Cụ thể, năm 2005 có 1,115,000,000 người, tức 17,3% dân số thế giới, năm 2014 có 1,272,000,000 người tức 17,8% dân số thế giới. Trong thời gian này, châu Phi tăng 41%, gấp 2 mức tăng dân số; châu Á dân số Công Giáo tăng 20%, cũng gấp 2 mức tăng dân số; Châu Âu tăng 2%; Bắc và Nam Mỹ tăng 11,7%. Niên Giám cũng cho biết số linh mục từ 406,411 vị năm 2005 tăng lên 415,792 vị năm 2014. Trong thời gian này phó tế vĩnh viễn tăng từ 33,000 vị lên 44,566 vị…

(Dân số Kitô giáo trên toàn thế giới là 2.173.180.000 Kitô hữu/ 6.895.890.000 dân số thế giới,  tỉ lệ 31,5% dân số thế giới) (Trích từ Phụ lục 2 Đạo Yêu Thương)

Đạo Công Giáo được rao giảng ở Việt Nam.

Cánh đồng truyền giáo trên quê hương Việt Nam buổi đầu đã được các vị Thừa Sai người Bồ Đào Nha đến rao giảng Tin Mừng. Điều đó còn được ghi lại trong sử sách. Trong Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục được soạn thảo dưới thời Tự Đức đã viết: “Năm Nguyên Hòa Nguyên Niên (1533) đời Lê Trang Tôn, có một dương nhân tên là Inikhu đi đường biển lén vào giảng đạo Giatô ở làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy” (Chương 33,6B).

Có thể nói thời kỳ đầu, một số nhà truyền giáo đã chiếm được tình cảm của các vị cầm quyền ở Việt nam. Nhờ thế mà năm 1591 Công Chúa Mai Hoa, chị của Hoàng Tử Lê Thái Tông đã học đạo và được rửa tội; năm 1624, tại Thuận Hóa bà Minh Đức Vương Thái Phi, vợ của chúa Nguyễn Hoàng đã được cha Đắc Lộ rửa tội; năm 1627 Linh mục Đắc Lộ đã được tiếp kiến chúa Trịnh Tráng tại thủ đô Kẻ Chợ (Hà Nội) đã khuyên được em gái chúa Trịnh Tráng trở lại đạo… (Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thu)

Nhưng cũng chính vì có nhiều người theo Đạo Yêu Thương nên đã gây ra sự ghen tương trong xã hội. Những quan thiển cận thì sợ mất ảnh hưởng. Thêm vào đó luật một vợ một chồng của Đạo Yêu Thương xem ra quá khắt khe với thời phong kiến lúc đó vốn đã “năm thê bảy thiếp”. Cùng với những lý do khác, đạo Chúa bị ngăn cấm, bách hại và coi là “tà đạo”.

Những cuộc bách hại đạo Công Giáo

Trong tập sách Vụ Án Phong Thánh của Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thu, xuất bản năm 1987 tại Hoa Kỳ đã cho chúng ta biết: Lịch sử Giáo Hội Việt Nam ghi nhớ tất cả có 53 Sắc chỉ cấm đạo chính thức do các chúa (Hai dòng họ Trịnh, Nguyễn: trong Nam ngoài Bắc), do nhà Tây Sơn và do các vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức ban hành nhằm khai trừ và tiêu diệt tận gốc đạo Thiên Chúa. Cụ thể như sau:

1.  8 sắc chỉ cấm đạo: Trong Nam dưới thời các chúa Nguyễn (1615-1778)

2. 17 sắc chỉ cấm đạo: Ngoài Bắc thời chúa Trịnh (1627-1786)

3.  6 sắc chỉ cấm đạo: Miền Nam, Nhà Tây Sơn (1775-1800), 3 sắc chỉ; Miền   Bắc năm 1786, 3 sắc chỉ.

4.  7 sắc chỉ cấm đạo: Vua Minh Mạng (1820-1840)

5.  2 sắc chỉ cấm đạo: Vua Thiệu Trị (1840-1847)

6. 13 sắc chỉ cấm đạo: Vua Tự Đức (1847-1883)

Ngoài ra, còn giai đoạn bách hại đạo do nhóm Văn Thân (1885-1886) cũng rất tàn bạo, độc ác. Các sử gia ước tính có tới 300.000 Kitô hữu bị giết chết trong những cuộc bách hại nêu trên. Trong số đó, đã có 117 Vị được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II phong Thánh vào ngày 19 tháng 06 năm 1988. Số tín hữu còn lại bị phân tán vào các làng Lương dân để xóa sổ làng Công Giáo…

Công Giáo Việt Nam ngày nay

Với việc bách hại đến tận gốc đạo Công Giáo tại Việt Nam như thế, ai nghĩ đạo Công Giáo lại có thể sống và ngày một lan truyền đến tận thôn bản trên quê hương Việt Nam như hiện nay.

Hiện tại Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam có 6.637.509 giáo dân/ 90.000.000 dân, chiếm tỉ lệ 7.4%. con số trên chưa kể có khoảng nửa triệu người Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại; số giáo phận là 26, trong đó có 3 Tổng giáo phận là Hà Nội, Huế và Sài Gòn, bao gồm hết 63 tỉnh và thành phố của Việt Nam. Giáo phận có số giáo dân đông nhất là Xuân Lộc với 940.080 giáo dân chiến tỉ lệ 29,33% dân số. Giáo phận có số giáo dân ít nhất là Lạng Sơn và Cao Bằng với 5.354 giáo dân chiếm tỉ lệ 0,3% dân số. Giáo Hội Việt Nam có một Hồng Y, Đức Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn  22-03-2014, Đức Giáo hoàng Phanxico đã chấp nhận đơn từ nhiệm chức tổng giám mục tổng giáo phận TP Hồ Chí Minh, cùng Hội đồng Giám mục VN , và gần 4000 linh mục cùng đông đảo tu sĩ, giáo lý viên và các dòng tu. Đây quả là một Ân Sủng to lớn Chúa ban cho quê hương Việt nam.

Qua những điều vừa nêu trên, đã một phần khẳng định được giá trị sâu sắc trong lời nhận định như tiên tri của văn hào Tertuliano:

“Máu các vị tử đạo, là hạt giống sinh nhiều giáo hữu”.

Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh

Chia sẻ Bài này:

facebookShare Email Email Print Bài này Print Bài này